Hạn hán, xâm nhập mặn của năm 2016 được dự báo trước nhưng nó cũng đặt nhiều địa phương trước các tình huống đầy bất ngờ và bất trắc.
Hạn hán, thiếu nước ngọt đang đe dọa Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đợt hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã đẩy nhiều địa phương vào tình cảnh lao đao. Đất đai nứt nẻ, cây trồng khô cháy, người và gia súc gia cầm chăn thả bơ phờ mỏi mệt, dịch bệnh (nhất là các căn bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da) có nguy cơ bùng phát. Người dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao (có nơi lên đến 100 ngàn đồng/m3) để sử dụng trong sinh hoạt.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát: Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài của năm 2016 là thiên tai nghiêm trọng nhất trong hàng trăm năm qua và trong 100 năm tới, những đợt thiên tai tương tự có khả năng xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn.
Hơn 40.000 hộ dân của tỉnh Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt. Toàn bộ hồ chứa trên địa bàn Bình Thuận còn 111 triệu m3 nước (50% công suất thiết kế), không đủ nước tưới nên phải cắt giảm 15.000 ha diện tích lúa vụ Đông – Xuân. Tỉnh đã chuyển đổi trên 1.350 đất lúa sang canh tác các loại cây ngắn ngày nhưng khó chống đỡ nổi với hạn hán.
Đây là một phần nội dung báo cáo của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 21/2 khi ông cùng với đoàn công tác đến thị sát hạn hán tại địa phương này.
Giải pháp mang tính chỉ đạo của người đứng đầu Bộ NN&PTNT ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của hạn hán đối với Bình Thuận trước mắt vẫn là tiết kiệm nguồn nước ít ỏi đang có ở các hồ chứa; chuyển đổi cơ cấu canh tác các loại cây trồng ngắn hạn có khả năng chịu hạn.
Đến ngày 19/2, các hồ chứa ở Ninh Thuận cũng đạt 33% dung tích thiết kế với 63,49 m3 triệu m3/192,21 triệu m3. Hiện nhiều nhánh sông, suối nhỏ ở Ninh Thuận đã cạn trơ đáy. Hơn 25.954,25 ha diện tích gieo trồng vụ Đông – Xuân (16.496,60 ha lúa, 9.457,65 ha màu) của Ninh Thuận đối diện trực tiếp với nắng hạn có khả năng thất thu hoặc cho thu hoạch rất thấp.
Những địa phương gần dòng chảy và hồ đập đã chủ động gieo trồng các loại cây ít cần đến nước như đậu xanh, bắp, cỏ cho chăn nuôi nhưng ngay cả những loại cây này cũng đứng trước nguy cơ khô héo. Nước sinh hoạt ở Ninh Thuận hiện đang là vấn đề nan giải và bức bối. Tại thời điểm này dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) phải đi mua nước để sinh hoạt với giá 100 nghìn/m3.
Theo dự báo, mực nước các dòng chảy ở Ninh Thuận sẽ xuống thấp nhất trong khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm 2016 lượng mưa ở Bình Thuận, Ninh Thuận và các địa phương Nam Trung Bộ thiếu hụt 30 đến 50%. Lưu lượng dòng chảy ở toàn khu vực Trung Bộ hụt từ 20 đến 60%. Riêng dòng chảy ở Khánh Hòa hụt đến trên 80% so với các năm trước.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo, trong tháng 3 và tháng 4/2016, hạn hán ở Tây Nguyên sẽ đạt kỷ lục, như các đợt hạn hán của năm 1998, 2004. Đây là thời điểm các hồ chứa ở Tây Nguyên khô cạn. Tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt là bức tranh không sáng sủa của mùa khô Tây Nguyên năm 2016. Rất nhiều diện tích cây trồng chủ lực của Tây Nguyên như hồ tiêu, cà phê đang thiếu nước tưới.
Ngày 22/2, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết 20% hồ chứa của tỉnh có lượng tích nước dưới 50% so với thiết kế. Tỉnh có tổng cộng 599 hồ chứa thủy lợi nhưng 35% trong số này không đạt mực nước như quy định. 169.332 ha diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh này đang rơi vào tình cảnh thiếu nước.
Khô hạn buộc Đắk Lắk – địa phương dồi dào sông suối nhất của Tây Nguyên đang phải tính đến chuyện cắt giảm trên 1.100 ha đất lúa.Tương tự, một số hồ chứa của tỉnh Đắk Nông như Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song đang trong tình trạng trơ đáy. Còn ở Gia Lai hiện tại có khoảng 32.000 ha diện tích canh tác gồm lúa, hoa màu, cây công nghiệp thiếu nước tưới.
Hạn hán kỷ lục của năm 2016 đã được các nhà khoa học lường trước từ rất sớm. Tại cuộc tọa đàm về hạn hán, xâm nhập mặn và công tác phòng chống (tổ chức tại Viện Khoa học Thủy lợi, Hà Nội vào tháng 4 năm ngoái), PGS.TS Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nhận định hạn hán sẽ xảy ra khốc liệt, nghiêm trọng đặc biệt ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, cơ quan liên quan cũng như các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp phòng chống hạn hiệu quả, thiết thực nhưng dự báo hạn hán còn tiếp tục xảy ra với tần suất nhiều hơn và khốc liệt hơn.
Thực tế diễn ra đúng như nhận định của ông Tỉnh, ngay từ 2 tháng đầu tiên của năm 2016. Nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm cùng cho rằng chống hạn khó hơn nhiều so với chống lũ. Lũ thường kèm theo mưa bão, bão (được dự báo chặt chẽ và chính xác với nhiều trung tâm dự báo trên thế giới và chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn) còn hạn hán là hiện tượng tự nhiên xảy ra từ từ và kéo dài, khi nhận biết ra thì tác hại đã quá lớn…
Mặc dù các giải pháp chống hạn càng ngày càng tiến bộ, phù hợp với năng lực chống hạn giúp các địa phương quản lý hạn tốt hơn nhưng theo nhiều đại biểu vẫn bày tỏ lo ngại về yếu tố chủ động trong quản lý điều hành. Một trong những vấn đề quan trọng đặc biệt là cần phải đánh giá lại khả năng đáp ứng nguồn nước cho đời sống và sản xuất nông nghiệp; nguồn nước đến từ lưu vực sông của các vùng gắn với tác động của biến đổi khí hậu; nhu cầu tiêu thụ nước; chỉ tiêu thiết kế của các hệ thống thủy nông; các tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước từ đó đưa ra các kịch bản sản xuất tương ứng với các điều kiện đáp ứng nhu cầu nước bao gồm đưa ra thứ tự ưu tiên phân bổ nước trong điều kiện thiếu nước.
Tại Hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn, mặn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 17/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo: Các địa phương, các ngành cần có giải pháp nghiên cứu, thích ứng phù hợp, lâu dài. Với 2.300 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ được ưu tiên cùng với vốn ODA, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần khẩn trương hoàn thiện các công trình ứng phó nhanh như đập, trạm bơm, nạo vét kênh, thậm chí khoan giếng đảm bảo nguồn nước cho dân sử dụng.
Hạn hán, xâm nhập mặn của năm 2016 được dự báo trước nhưng nó cũng đặt nhiều địa phương trước các tình huống đầy bất ngờ và bất trắc.
Trả lờiXóahãng eva
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu
ve may bay hang korean air
giá vé máy bay đi mỹ khứ hồi
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch