Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Giải pháp nào cho tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại?

Đó là chủ đề của một cuộc Hội thảo diễn ra vào sáng 25/2 tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam). Hội thảo do Palm Garden Reort - một trong các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề do nạn sạt lở tại bờ biển Cửa Đại - phối hợp với Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung tổ chức.

 

Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Thành Sang, Tổng Giám đốc Palm Garden Reort cho biết: Trước thực trạng bờ biển Cửa Đại (TP Hội An)- nơi tập trung rất nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển đang bị xói lở nghiêm trọng, thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An cùng các Bộ, ngành hữu quan của Trung ương đã nhiều lần tổ chức các Hội thảo nhằm tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng tại đây.

Bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, 
trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay đi tìm bài toán “giải cứu”
Tuy nhiên, đến nay, qua rất nhiều cuộc Hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là không ít các giải pháp từ các nhà khoa học của Hà Lan, Nhật Bản…. đưa ra trên cơ sở khảo sát thực địa tại Cửa Đại và liên hệ với kinh nghiệm xử lý sạt lở tại nhiều nơi trong nước và quốc tế nhưng hầu hết các giải pháp này vẫn  khó khả thi. Nguyên nhân là do  kinh phí quá lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Đó là chưa nói nguyên nhân cơ bản gây nên nạn sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại bãi biển Cửa Đại hiện nay là do thiếu hụt lượng cát bùn từ đầu nguồn bù đắp. Do đó, sạt lở vẫn cứ sạt lở và ý tưởng, giải pháp vẫn mãi nằm trên bàn giấy, không có nguồn kinh phí để thực hiện.
“Đến nay sạt lở càng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch nói chung và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn ven bờ biển Cửa Đại. Do đó, đã đến lúc các doanh nghiệp phải tự cứu mình. Hội thảo lần này được tổ chức cũng chính nhằm tìm kiếm giải pháp thiết thực, phù hợp nhất để các doanh nghiệp có thể tự xây dựng đê kè chắn sóng, chống sạt lở”- ông Phạm Thành Sang, Tổng Giám đốc Palm Garden Reort nhấn mạnh.
Xói lở nghiêm trọng làm biến mất các bãi biển đẹp
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cùng đại diện doanh nghiệp và một số cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - Đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam giao chức năng tham mưu giúp tỉnh này tìm giải pháp ngăn chặn nạn sạt lở tại bờ biển Cửa Đại nói riêng và các tác hại của biến đổi khí hậu trên địa bàn Quảng Nam nói chung - đã cùng trao đổi, thảo luận, thống nhất một số giải pháp thiết thực nhất.
Báo cáo kết quả khảo sát của các nhà khoa học thuộc Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung tại Hội thảo nêu rõ, tình trạng xói lở bãi biển tại bờ bắc Cửa Đại bắt đầu từ năm 2004. Tuy nhiên, tình trạng xói lở tại đây trở nên nghiêm trọng kể từ sau lũ năm 2013. Đặc biệt, đến năm 2014 và 2015, xói lở đã diễn ra ở mức độ ngày một nghiêm trọng hơn và có những tác hại không lường trải dài trên bãi biển bắc Cửa Đại kéo dài đến 5km. Trong khu vực bị xói lở nặng này, nhiều đoạn bờ biển đã bị sóng đánh gây sạt lở và biểm xâm thực sát vào đất liền, đe dọa đến các công trình của một số khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đây.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trung Việt, đại diện nhóm nhà khoa học của Trường Cao đẳng Thủy lợi miền Trung nhận định, tình trạng xói lở diễn ra càng mạnh mẽ vào thời kỳ mùa đông, khi có gió mùa đông bắc mạnh hoặc khi trời có bão; xói lở đang “ăn” dần ra hướng Đà Nẵng khiến cho nhiều bãi tắm đẹp dọc theo bãi biển Cửa Đại đã biến mất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Sang, đại diện khu nghỉ dưỡng Palm Garden, dọc bãi biển Cửa Đại, tình trạng xói lở đang đe dọa trực tiếp đến bãi tắm cũng như một số công trình sát biển của khu nghỉ dưỡng này. Do đó, ông rất mong các cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra và triển khai phương pháp chống xói lở phù hợp để bảo vệ bãi biển Cửa Đại.
"Nếu sắp tới không kịp thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu, không chỉ bãi biển Cửa Đại của Hội An bị tổn thất mà nhiều bãi biển đẹp khác ở phía Bắc Hội An như An Bàng, Hà My… của thị xã Điện Bàn và cả một số bãi biển thuộc TP.Đà Nẵng cũng sẽ bị sóng biển xâm thực" - ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cảnh báo.

Cũng theo ông Đức, phải có giải pháp đồng bộ và thống nhất trên dọc tuyến bờ biển phía bắc Hội An kéo dài đến Đà Nẵng. Không thể cứ xói lở ở đâu thì xây đê ngăn chặn ở điểm đó, bởi qua khảo sát thực tế cho thấy, tình diễn tiến xói lở ở khu vực bờ biển bắc Cửa Đại có tính dây chuyền đô-mi-nô (bảo vệ điểm này thì xói lở tiếp điểm kế về phái bắc). Thực tế này đang làm cho chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đau đầu thời gian qua.
Giải pháp nào để cứu Cửa Đại ?
Trước tình trạng bãi biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra với nhiều biện pháp cấp bách. Trong đó, không ít ý kiến đề nghị sử dụng giải pháp kè tạm 2 hàng cọc tre kết hợp mành tre, gia cố bằng bao cát, vải địa kỹ thuật để hạn chế sạt lở sâu hơn; tiến hành đổ bù cát thêm vào những điểm sạt lở để tạo mái ta luy, trải vải địa kỹ thuật và gia cố bằng bao cát loại nhỏ...
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, toàn bộ cọc tre, bao cát gia cố bị sóng biển tại một số đoạn bờ biển đã được một số doanh nghiệp tự xây dựng trước đây để bảo vệ tài sản của mình đã bị sóng đánh sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của nhân dân, du khách trong khu vực.
Trước thực tế này, theo đại diện một số doanh nghiệp tại bãi biển Cửa Đại, từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo kè theo dạng đê chắn sóng ngầm cách bờ từ 60 - 80m bằng túi Geotube của Hà Lan để ổn định bờ và tạo bãi. Tổng kinh phí đầu tư cho các đoạn kè này khoảng 55 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn đến từ doanh nghiệp chuyên xử lý sạt lở ven biển Long Minh (TP.Đà Nẵng), việc bãi biển Cửa Đại bị xói lở do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Và thực tế như một số nhà khoa học đã nhận định, nếu chỉ bảo vệ đoạn xói lở này thì đoạn kế tiếp về phía Bắc sẽ tiếp tục sạt lở. Cứ bảo vệ- xói lở tiếp- lại bảo vệ… đến bao giờ mới ổn ?

Các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp gặp nhau tại Hội thảo 
để tìm giải pháp chống nạn sạt lở ngày thêm nghiêm trọng ở bở biển Cửa Đại
Đồng tình quan điểm này, PGS-TS Trần Thanh Tùng, Khoa Kỹ thuật biển, Trường Đại học Thủy lợi, cho rằng việc thiếu hụt bùn cát từ sông mang ra biển; việc mất cân bằng nguồn cát ở ven bờ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Lý do của việc mất cân bằng cát ven biển do nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc nạo vét, khai thác cát; xây dựng công trình ở dải ven biển không tuân thủ theo quy hoạch. Nguyên nhân sâu xa hơn là do tác động của các hồ chứa thượng nguồn.

Theo ông Tùng, hiện nay có 3 phương pháp để giải quyết tình trạng xói lở bờ biển đã được áp dụng trên thế giới. Thứ nhất, xây dựng các công trình cứng để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển; thứ hai là giải pháp tăng bùn cát từ cửa sông; thứ ba là phương pháp “nuôi” bãi.

“Đối với Hội An, một thành phố du lịch nổi tiếng, thì phương án xây dựng các công trình cứng để chống xói lở xem ra không phù hợp. Do đó, nếu chú trọng đến phương pháp “nuôi” bãi để chống sạt lở thì đây là một trong các phương pháp bảo vệ, tôn tạo bờ biển phú hợp nhất đối với địa tầng, địa chất cũng như lưu lượng dòng chảy tại khu vực Cửa Đại. Phương pháp này cho phép sử dụng nguồn vật liệu, chủ yếu là cát, có chất lượng phù hợp để bù đắp cho lượng bùn cát bị thiếu hụt ở bãi biển, hoặc mở rộng và tôn tạo bãi biển hiện có. Bên cạnh đó, cần quan trắc xem con sóng vuông góc hay song song với bờ để xây dựng các công trình chống xói lở phù hợp. Nguyên tắc chung là công trình chắn sóng được làm phía ngoài, còn công trình giữ cát được xây dựng ở phía trong để giữ được bãi biển”- PGS-TS Trần Thanh Tùng nhận định.

Tiếp tục thể hiện quan điểm của mình, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc “giải cứu” bãi biển Cửa Đại cần thực hiện theo chiến lược và kế hoạch tổng thể; tránh tình trạng xói lở đến đâu - ngăn chặn đến đó mà phá vỡ quy hoạch chung. Việc bảo vệ bờ biển Cửa Đại phải mang tính lâu dài, chứ không làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Việc chống xói lở bãi biển Cửa Đại là một việc hệ trọng, cần tính toán thận trọng trước khi quyết định đưa ra phương pháp xử lý để mang tính bền vững.

Ngoài những chia sẻ trên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội, đại diện Tập đoàn HUESKER (Đức), Công ty HAICATEX trình bày công dụng của túi vải nhân tạo (vải không dệt) do HAICATEX sản xuất đang được xuất khẩu phục vụ việc chứa các hoạt chất phù hợp để làm kè chắn sóng, chống sạt lở tại Indonesia, Malaysia, Hà Lan, Đức…. Đồng thời, đa số các ý kiến cũng đề xuất cho thử nghiệm các giải pháp trên tại Cửa Đại trong thời gian tới đây./.



1 nhận xét: