Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Hạn, xâm nhập mặn chưa từng có khiến ĐBSCL thiệt hại nặng nề

Tình hình hạn, mặn ở khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề.
Xâm nhập mặn chưa từng có
Tin tức trên báo VOV, hiện nay, ảnh hưởng của El Nino và những tác động đến thiên nhiên do con người gây ra đã khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải chịu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có.
Tình hình hạn, mặn ở khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết. Qua đó, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất của từng hộ dân sinh sống ở cuối lưu vực sông Mê Kông.
Hạn, xâm nhập mặn chưa từng có khiến ĐBSCL thiệt hại nặng nề - Ảnh 1

Hiện ĐBSCL đang phải chịu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có. (Ảnh: Một Thế Giới)

Ông Nguyễn Văn Kê ở ấp 3 xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng như hàng trăm hộ dân khác ở địa phương này rất xót xa khi chứng kiến thửa ruộng của mình đang bị cháy do thiếu nước.
Ông Kê cho biết, hai ha lúa Đông Xuân của gia đình hơn 20 ngày tuổi đã bị “chết đứng” do hết nguồn nước ngọt. Năm nay, nước mặn đến sớm hơn 1 tháng nên nông dân vùng này bị thiệt hại nặng.
“Sạ lúa lên rồi kênh không còn nước ngọt, nước phèn trong veo luôn. Gia đình tôi bỏ lúa nay 1 tháng rồi, thiệt hại bình quân 10 triệu/ha. Lúa sạ lên không phát triển, tôi đeo đến lúc dậm mà người ta không muốn dậm vì thấy lúa coi không được”- ông Kê nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 700 ha lúa bị chết vì thiếu nước ngọt, tập trung ở các xã ven biển, cuối nguồn thuộc huyện Gò Công Đông như: Tân Phước, Kiểng Phước,  Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng, Phước Trung…
Ngoài ra, còn có hàng nghìn ha lúa Đông Xuân ở các huyện Gò Công Tây, Thị xã Gò Công có nguy cơ giảm năng suất do hạn, mặn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nước mặn năm nay đến sớm hơn trung bình các năm trước 2 tháng, trong khi đó nhiều nông dân gieo sạ trễ lịch thời vụ, hệ thống kênh mương nội đồng bị bồi lắng, chưa đồng bộ để đủ cấp nước vào mùa khô.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đây có lẽ là trận hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất mà ông đã chứng kiến. Ông Nhịn cho biết chỉ tại thành phố Rạch Giá trong tháng 6 và 7, thời điểm mùa mưa năm ngoái mà người dân địa phương đã thiếu nước ngọt hai đợt, mỗi đợt 15 ngày. Còn trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, người dân đã phải thiếu nước ngọt một tuần. Còn vùng U Minh thượng, lúa bị chết mất 34.000 ha nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Mai Anh Nhịn chia sẻ: “Năm nay, xâm nhập mặn nhiều. Trong đời tôi mới thấy lần đầu. Đối với các tuyến kênh rạch lớn ở Kiên Giang như sông Cái Lớn hiện nay đã xâm nhập sâu vào 3-4km, trước đây thì không đến như thế bao giờ. Một số sông như Rạch Giá-Long Xuyên; Rạch Giá-Hà Tiên, kênh Cái Sắn thì mặn đã xâm nhập sâu”.
Ngay từ đầu mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, nồng độ mặn 4g/l đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố ĐBSCL, có phạm vi ảnh hưởng từ 40-60 km. Một số địa phương có diễn biến xâm nhập mặn đến mức báo động là Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…
Trong đó, tỉnh Bến Tre và mới đây là Tiền Giang đã công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn. Những diễn biến bất thường và nguy cấp này sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích sâu ở bài viết sau. Mời qu‎ý vị và các bạn cùng theo dõi.

Hạn mặn còn kéo dài
Theo báo Một Thế Giới, Bộ NN-PTNT nhận định mùa khô 2015 - 2016 xâm nhập mặn sớm, sâu và khả năng kéo dài. Bộ cũng khuyến cáo: Một số vùng cần đặc biệt chú ý như vùng Gò Công (Tiền Giang); Trà Vinh; vùng Long Phú - Tiếp Nhật, Đại Ngãi, vùng ranh Sóc Trăng (Sóc Trăng); Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 5 và tháng 6 tới, mực nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn rất nhiều so với các năm qua. Các thành phố như Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Vị Thanh có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt…
Hạn, xâm nhập mặn chưa từng có khiến ĐBSCL thiệt hại nặng nề - Ảnh 2

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài khiến người dân đang phải gồng mình chống. (Ảnh: VOV)

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng lo lắng khi hạn, mặn tấn công dữ dội. Ông cho rằng chống hạn, mặn cần quyết liệt hơn “cứu binh”.
Ông Chánh cho biết: “Thị xã Ngã Bảy từ bao đời nay vẫn ngọt nhưng năm nay bị mặn xâm nhập. Đã có 400ha lúa của tỉnh bị thiệt hại. Tỉnh ủy đã có chỉ thị phòng chống hạn, mặn từ trước Tết và tất cả các ngành đã vào cuộc. Nếu không phòng chống quyết liệt, việc khắc phục hậu quả của hạn, mặn xâm nhập sẽ mất đi khoảng 10 năm. Chống hạn, mặn quyết liệt hơn cứu binh. Trong tình hình khẩn cấp, tỉnh sẽ chỉ đạo cho khoan 6 cây nước ngầm và dừng lại ngay khi có đủ nước trở lại. Hậu Giang kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT tiếp tục cho thi công 30km đê bao ngăn mặn vùng Vị Thanh - Long Mỹ...”.
Quyết liệt cứu lúa
Trước tình hình trên, báo Nhân dân đưa tin,trước đó, tại Hội nghị Phòng, chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do Bộ NN và PTNT tổ chức diễn ra tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Chính vì thế, các bộ, ngành T.Ư, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp và huy động sức mạnh tổng lực để phòng, chống hạn, mặn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để cùng vào cuộc. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chống hạn, xâm nhập mặn; trong đó những nơi cần thiết thì xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… giải quyết nguồn nước cho dân.



1 nhận xét: