Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Sốc với ảnh ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc

Dòng sông ngả màu đỏ rực do hóa chất, đường phố ngập trong rác, vỏ chai nhựa chất đống dưới chân Vạn Lý Trường Thành...

Dòng sông ngả màu đỏ rực do hóa chất, đường phố ngập trong rác, vỏ chai nhựa chất đống dưới chân Vạn Lý Trường Thành... dường như chưa đủ mô tả hết tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc.
Theo Bored Panda, ở một số khu vực, tình trạng ô nhiễm gần như hoàn toàn không được kiểm soát.
Ngay thủ đô Bắc Kinh và các thành phố trọng điểm khói mù ô nhiễm lên đến mức báo động và có thời điểm nhà chức trách phải yêu cầu người dân ở yên trong nhà để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ nghiêm túc giải quyết ô nhiễm, nhưng việc này không hề dễ khi ngành công nghiệp trong nước đã mở rộng rất nhanh.
Dưới đây là những hình ảnh cho thấy mức độ ô nhiễm tại quốc gia đông dân nhất thế giới này:
Một hồ nước bị tảo xâm lấn ở tỉnh An Huy
Người dân đi trên đường phố Bắc Kinh vào thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí ở thành phố cao gấp 40 lần chỉ số chuẩn quốc tế
Một dòng suối ở tỉnh Vân Nam đầy rác. Dù vậy, bé trai này vẫn phải uống nước suối vì không còn nguồn nào khác
Do ô nhiễm trầm trọng, Hong Kong phải tạo ra "bầu trời giả" cho du khách chụp ảnh 
Một nhà báo đang lấy mẫu nước sông Jianhe ở tỉnh Hà Nam. Nước sông đã ngả màu đỏ rực do hóa chất 
Cá chết hàng loạt trong một hồ nước tại Vũ Hán, Hồ Bắc
Công nhân đang bơm hút nước thải chảy ra từ hồ chứa ở Shanghang, tỉnh Phúc Kiến
Tảo phủ kín mặt hồ ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông
Thành phố Bắc Kinh chìm trong khói mù ô nhiễm
Công nhân đang xử lý sự cố tràn dầu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh
Một hồ chứa ở Pingba, tỉnh Quí Châu bị ô nhiễm do rác
Rác nổi đầy đường ở Shantou, tỉnh Quảng Đông khi nước dâng
Rác phủ kín một đoạn sông Dương Tử - con sông dài nhất châu Á và dài thứ ba thế giới
Một cống xả thải đổ thẳng ra sông Dương Tử
Một con sông ở Jiaxing, tỉnh Chiết Giang đổi màu do ô nhiễm nặng
Rác thải vứt thành đống dưới chân một đoạn  Vạn Lý Trường Thành 

Theo Tường Vy - Tuổi Trẻ

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Con người đẩy Trái Đất đến "vùng nguy hiểm"

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học chỉ ra rằng, hoạt động của con người khiến Trái Đất vượt 4 trong số 9 giới hạn an toàn về môi trường.

2-1417162915-660x0-5644-1421461765.jpg
Băng tan chảy là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của con người khi nhắc đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ảnh: Business Insider
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) hôm 15/1. Các giới hạn mà Trái Đất vượt ngưỡng an toàn bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sự thay đổi trong hoạt động sử dụng đất và chu trình sinh địa hóa bị thay đổi một phần do việc sử dụng phân bón.
Theo Reuters, đây là những thay đổi gây mất ổn định tính tương tác phức tạp giữa con người, đại dương, đất và không khí. Khi vượt qua ranh giới, những nỗ lực cải thiện tình trạng nghèo đói hay chất lượng cuộc sống sẽ khó có thể thực hiện. Điều đó không gây ra hỗn loạn ngay lập tức, nhưng đẩy hành tinh của chúng ta đến một thời kỳ bất ổn.
"Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cần liên hệ và đánh giá những nguy cơ gây bất ổn toàn bộ hành tinh. Chúng ta đang ở giai đoạn có thể nhìn thấy sự thay đổi đột ngột và không thể đảo ngược do biến đổi khí hậu", Johan Rockstrom, một tác giả trong nghiên cứu, nói. Ông nhấn mạnh ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy sẽ giải phóng lượng khí nhà kính nhiều hơn, và tạo ra một vòng hồi tiếp luẩn quẩn.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề vượt giới hạn ở mức độ nghiêm trọng nhất. Mật độ khí thải CO2 trong không khí hiện ở mức 395 ppm, trong khi mức độ có thể chấp nhận được là 350 ppm.
Năm 2009, giới nghiên cứu đánh giá và xác định 9 giới hạn an toàn cho hành tinh, mà theo đó nhân loại có thể an toàn và đẩy mạnh phát triển. 5 giới hạn còn lại chưa bị vượt gồm suy giảm tầng ozone, axit hóa đại dương, nhu cầu sử dụng nước ngọt, các hạt bụi nhỏ trong không khí và hoá chất ô nhiễm.
Theo Anh Hoàng - VnExpress

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Nếu tất cả núi lửa trên trái đất cùng phun trào?

Quang cảnh một ngọn núi lửa phun trào vừa đáng sợ lại vừa đáng kinh ngạc, vậy sẽ có chuyện gì xảy ra nếu tất cả núi lửa trên trái đất đồng loạt phun trào?

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 1.500 ngọn núi lửa đang hoạt động trên trái đất, không kể đến con số chưa được thống kê về số lượng núi lửa ngầm dưới biển.
Mỗi ngày có từ 10-20 ngọn núi lửa phun trào trên trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng khả năng tất cả những ngọn núi lửa này cùng phun trào một lúc là rất thấp, đến mức gần như là không thể.
Nhưng giả sử điều này xảy ra, liệu trái đất có cơ hội nào để sống sót? Parv Sethi, một nhà địa chất học thuộc Đại học Radford, Virginia nhận định, câu trả lời là không.
Chỉ riêng các núi lửa trên mặt đất cùng phun trào cũng đủ để kích hoạt các ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường theo hiệu ứng domino, với sức mạnh gấp nhiều lần bom hạt nhân. Mặc dù dung nham nóng chảy sẽ giết chết những người sống gần núi lửa trước tiên, nhưng con số này không thấm tháp gì so với những người thiệt mạng vì thay đổi khí hậu.
Sethi dự đoán rằng nếu tất cả núi lửa trên trái đất cùng phun trào, một màn tro bụi dày đặc sẽ phủ kín trái đất, như một cái chăn và chặn mọi ánh sáng từ mặt trời, "trái đất sẽ hoàn toàn chìm vào bóng tối. Không có ánh sáng, cây cối sẽ không thể quang hợp và sinh trưởng, mùa màng sẽ thất bát và nhiệt độ sẽ giảm mạnh", nhà khoa học cho biết.
Màn tro bụi này thậm chí sẽ bao bọc lấy trái đất trong vòng 10 năm.
Trên thực tế, không phải mọi núi lửa đều có khả năng sinh ra một lượng lớn tro bụi, ví dụ như núi lửa ở Hawaii chỉ sinh ra dung nham.
Tuy nhiên, danh sách 1.500 ngọn núi lửa đang hoạt động trên trái đất của Viện Địa chất Hoa Kỳ có tên cả những siêu núi lửa mà chỉ cần phun trào là sẽ nhấn chìm toàn bộ nước Mỹ trong một màn tro bụi mỏng.
Kể cả khi sống sót được qua màn tro bụi, một vấn đề khác lại nảy sinh: mưa axit.
Khí thải từ núi lửa phun trào chứa rất nhiều axit clohydric, flo hydrogen, lưu huỳnh hydrogen và lưu huỳnh dioxit với nồng độ lớn trong khí quyển sẽ tạo ra mưa axit, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và bề mặt đại dương.
Nước biển bị nhiễm axit sẽ khiến san hô và các sinh vật biển chết hàng loạt, hủy diệt chuỗi thức ăn đại dương và dẫn đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, như đã từng xảy ra trong quá khứ của trái đất ở cuối kỷ Permi, kỷ Triad và kỷ Creta.
Ngoài ra, việc tro bụi và khí gas được giải phóng vào khí quyển sẽ ngăn ánh sáng mặt trời và khiến nhiệt độ trái đất giảm đi đáng kể, dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Mặc dù núi lửa phun trào cũng sinh ra cả khí cacbon dioxit có khả năng làm tăng nhiệt trái đất, nhưng theo nhà khoa học Sethi, lượng khí cacbon dioxit sinh ra từ 1.500 núi lửa phun trào cùng lúc lại quá lớn khiến khí quyển bị nhiễm độc và nhiệt độ trái đất tăng quá cao, hoàn toàn không phải môi trường sống thích hợp cho con người.
Trước viễn cảnh núi lửa đồng loạt phun trào này, Sethi cho rằng chỉ có extremophile - những vi khuẩn chịu cực hạn - có thể sống sót.
Đó là những tổ chức sinh vật hữu cơ sống trong những môi trường vô cùng khắc nghiệt như suối nước nóng ngầm hay sâu dưới đáy biển, nơi chúng được an toàn trước sự hủy diệt trên mặt đất. 
Theo TTXVN

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Mưa kéo dài, nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu mùa

Dự báo, mưa rét sẽ kéo dài nhiều ngày tới và nền nhiệt độ xuống mức rét đậm, rét hại kể cả ở vùng đồng bằng.


Bắc Bộ vào đợt rét nhất kể từ đầu mùa 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (7/1) không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ.
Ngày hôm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ có mưa rải rác; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao 2-3 mét. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2; khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ chiều nay có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4 mét. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Từ đêm nay, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao 2-4 mét. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, dự báo, đợt rét này kéo dài sang cả tuần tới, với nền nhiệt độ xuống mức rét đậm, rét hại kể cả ở vùng đồng bằng. Nhiệt độ tại Hà Nội ban ngày có thể xuống dưới 13 độ C. Đây có khả năng sẽ là đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa đông.
Thời tiết ngày và đêm 7/1/2015
Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, ngày có mưa rải rác, đêm có mưa vài nơi. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 14 đến 17 độ, có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 18 đến 21 độ, riêng khu Tây Bắc 22 – 25 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, ngày có mưa rải rác, đêm có mưa vài nơi. Gió đông bắc cấp 2 – 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 13 đến 16 độ, vùng núi có nơi 11 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 16 – 19 độ C.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Gió bắc đến tây bắc cấp 2 – 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 16 – 19 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 20 – 23 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Phía bắc nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; phía nam mây thay đổi, có mưa rào vài nơi. Gió đông bắc cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 đến 22 độ; phía nam 21 – 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 24 đến 27 độ, phía nam 28 đến 31 độ C.
Tây Nguyên: Mây thay đổi, có mưa rào vài nơi. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ 18 – 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 28 - 31 độ C.
Nam Bộ: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 22 – 25 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29 – 32 độ C.
Hà Nội: Nhiều mây, ngày có mưa, đêm có mưa vài nơi. Gió đông bắc cấp 2 – 3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 14 – 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 16 – 19 độ C.
Theo Tuệ Khanh - VnMedia

Sương mù dày đặc, tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm


Những ngày qua, người dân miền Bắc phải sống trong thời tiết ẩm ướt, mưa phùn, bao phủ không khí bởi một làn sương mù dày đặc. Môi trường này dễ nảy sinh nhiều bệnh nguy hiểm.
Thời tiết ẩm - môi trường cho virus gây bệnh

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết ẩm ướt rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, điểm hình là Adeno virus.

Bệnh do virus này gây ra có hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt virus gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ và viêm phổi.

Virus Adeno có nhiều týp huyết thanh nên cũng gây ra rất nhiều loại bệnh khác nhau như sốt, viêm họng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên...

Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nhiễm loại virus này là sốt, nhiệt độ có thể đến 39 độ C. Ở Việt Nam, bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Số mắc trung bình năm của thời kỳ 1996-2000 ở Việt Nam là 17.486 với tỷ lệ 23/100.000 dân, không có tử vong. Trong số đó, miền Bắc mắc là địa phương có ca nhiễm nhiều nhất cả nước (15.945).

Độ ẩm cao còn là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển bám vào tường nhà, đồ dùng sinh hoạt, quần áo mà mắt thường không thể nhìn thấy. Đồng thời, sương mù dày đặc còn lưu lại nhiều chất độc hại, bụi, khói trong không khí.


Đây là tác nhân khiến các bệnh dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp bùng phát và trở nên trầm trọng hơn.

Làn sương mù dày đặc tại Hà Nội vào buổi sáng - Ảnh: Hoàng Hà.


Ngoài ra, người dân còn phải đối mặt với nhiều bệnh truyền nhiễm do virus gây ra như thủy đậu, sởi... Trong đó, thủy đậu do virut Varicella Zoster gây nên với biểu hiện là các nốt tròn nhỏ khắp cơ thể, gây ngứa, sau đó chuyển thành mụn nước và khô đi sau 5-7 ngày.


Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, chúng mình có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí dẫn tới những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não…

Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do virus gây ra khi thời tiết ẩm. Biểu hiện của bệnh bao gồm sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuấy hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vọng.

Bên cạnh đó, thời tiết này còn khiến quần áo luôn trong tình trạng ẩm dễ khiến chúng ta mắc phải các căn bệnh vùng kín, viêm nhiễm phụ khoa gây ngứa ngáy, khó chịu.

Làm gì để phòng bệnh?

Theo các bác sĩ, những ngày có sương mù dày đặc, người dân không nên ra đường vào sáng sớm để tránh hít phải các chất độc trong không khí. Khi tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết này, chúng ta nên đeo khẩu trang y tế để bảo vệ đường hô hấp.


Ngoài ra, cần tăng cường uống nước, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết đểnâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở để không khí luôn thông thoáng, tránh nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh. Cần lưu ý, các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh, khi thấy có biểu hiện ho, sốt, chúng ta phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tránh bệnh chuyển nặng.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm, các chuyên gia cho biết không nên tắm quá lâu, đi chân đất, mặc quần áo ẩm ướt. Với người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, cần duy trì thói quen vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày với nước sạch và dung dịch vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn.


Theo A.H - Zing.vn

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Sức khỏe và môi trường sống

Có nhiều người mặc dù còn rất trẻ, công việc làm ổn định không quá căng thẳng hay bị stress, nhưng luôn than phiền họ cảm thấy không được khỏe mạnh, cơ thể bị suy nhược...

Người dân tập thể dục, vận động tại công viên Gia Định, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Người dân tập thể dục, vận động tại công viên Gia Định, TPHCM - Ảnh: T.T.D.
Những người này thường xuyên đến phòng khám bệnh để được các thầy thuốc khám và cho làm xét nghiệm. Nhưng khổ nỗi ngay cả các thầy thuốc rất giỏi cũng không tìm ra nguyên nhân của bệnh để điều trị. Các xét nghiệm dù là cao cấp nhất cũng cho kết quả bình thường. Cuối cùng tất cả thầy thuốc khuyên bệnh nhân nên tăng cường tập thể dục.
Tuy nhiên, càng tập thể dục càng thấy mệt mỏi, sức khỏe càng suy sụp và thế là họ ngừng tập vì cho rằng tập thể dục không tốt đối với sức khỏe của họ. Ðiều này hoàn toàn trái ngược với những lời khuyên và nhận định của thầy thuốc là tập thể dục có lợi cho sức khỏe.
Môi trường sống là nguyên nhân chính
Nhờ tham khảo các tài liệu y học, sau này bệnh nhân mới biết do họ sống ở trung tâm thành phố, trong căn nhà chật hẹp, nóng và độ ẩm cao làm cho sức khỏe càng tồi tệ và họ quyết định thay đổi môi trường sống.
Một căn nhà ở ngoại ô tuy nhỏ nhưng thoáng mát và nhờ tập thể dục thường xuyên trong môi trường trong lành vào mỗi buổi sáng, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, cảm giác mệt mỏi và đau đầu thường xuyên đã dần biến mất.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y học, môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Ở trong ngôi nhà hay nơi làm việc có nhiệt độ và độ ẩm cao, cơ thể con người luôn phải cố gắng điều tiết để thích nghi với môi trường bằng các chất trung gian hóa học như serotonine, corticosteroides, cathecolamine...
Rồi đến một lúc nào đó, các phản ứng hóa học để thích nghi của cơ thể bị rối loạn và cơ thể bắt đầu bị bệnh. Việc định lượng các yếu tố gây ra phản ứng hóa học trong cơ thể rất khó có thể tiến hành một cách chính xác được vì nó thay đổi theo thời gian từng giờ, thậm chí từng phút.
Tuy nhiên, do thói quen từ đời này truyền sang đời khác và do công việc làm ăn kiếm sống, rất nhiều người đã không thể rời không gian nhỏ bé và chật hẹp ấy để tìm đến những nơi thoáng mát hơn.
Ðó là một trong những nguyên nhân của sự không thành công trong việc xây dựng những đô thị vệ tinh của những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...
Việc cải thiện ngôi nhà của mình và môi trường sống đã được người dân Việt Nam biết đến từ lâu qua những câu tục ngữ, hò vè như: nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm...
Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn còn xuất hiện khá nhiều căn bệnh nguy hiểm do môi trường sống chật hẹp, ẩm thấp như hen suyễn, dị ứng, mệt mỏi kinh niên...
Ô nhiễm tiếng ồn
Trên thế giới, từ lâu người dân đã rất bức xúc với việc ô nhiễm tiếng ồn. Ở nhiều nước phát triển có những quy định rất khắt khe trong việc chống tiếng ồn trong các khu đô thị nên ngoài đường hầu như không có tiếng còi xe. Các loại tiếng ồn đều được khống chế trong quy định cho phép. Người ta quy định khắt khe là thế nhưng vẫn có khá nhiều người bị stress và các bệnh do ô nhiễm tiếng ồn gây ra.
Theo thống kê, tại Mỹ hằng năm người ta đã phải tốn hơn 5 tỉ USD để chữa trị cho những bệnh nhân bị ô nhiễm tiếng ồn. Ðây cũng là một vấn đề rất quan trọng mà chúng ta phải chú ý trong khi môi trường sống đô thị của chúng ta hiện nay có quá nhiều tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn từ còi xe, tiếng động của xe cơ giới. Ðã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn giao thông do tiếng còi xe quá to làm người đi xe máy giật mình té xe và bị xe tải cán chết.
Ở nước ta, tiếng động của xe cơ giới rất lớn nhưng hầu như không có ai kiểm soát. Trong khi những bệnh gây ra do ô nhiễm tiếng ồn thường nằm trong bệnh cảnh phức tạp của một số bệnh khác nên thầy thuốc cũng khó phân biệt.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Tuổi trẻ
Đại học Y dược TPHCM