Chiều 20/3 tại Cần Thơ, Bộ tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo khoa học “hợp tác vì nước”, các đại biểu đã tập trung thảo luận tầm quan trọng của hợp tác vì nước, các thách thức và lợi ích trong hợp tác quản lý nước xuyên biên giới...
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh “Đất nước chúng ta nằm ở hạ lưu của 2 con sông quốc tế quan trọng là sông Hồng và sông Mêkông, với 2/3 lượng nước ở Việt Nam được sản sinh từ nước ngoài chảy vào hai con sông này. Việc thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trong việc chia sẻ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn nước xuyên biên giới được xem là nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020".
ĐBSCL là vùng có nguồn nước lớn nhất nước. Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn và điều kiện hậu tương đối thuận lợi, trong nhiều thập niên qua đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò then chốt đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu gạo.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định, “Những năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy: tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng. Lũ thấp kết hợp với tình trạng không khí nóng làm nguồn nước hiếm hoi, nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi khó khăn trong cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến để hợp tác vì nước ngày càng hiệu quả hơn. Trong đó, nhấn mạnh đến sự cần thiết của quy hoạch sử dụng nguồn nước cần làm đồng bộ từ cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu chung mọi bên đều có lợi.
Phạm Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét