Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Một triệu dân ĐBSCL có thể mất nhà vì biến đổi khí hậu

Do vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nặng nề nhất.
Thách thức từ BĐKH
Tại lễ khai mạc Tuần lễ chuẩn bị Hội nghị về BĐKH Paris 2015, ông Jean-Noël Poirier - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những nước có “tiềm năng” bị tác động bởi BĐKH. Và sự biến đổi khí hậu này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, hạn hán, nước biển dâng cao kéo theo đất ngập mặn, làm cho các khu vực đồng bằng màu mỡ như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn; làm giảm diện tích trồng lúa, trồng cây lương thực. Cùng với đó, năm 2050, gần 1 triệu dân cư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải thay đổi nơi ở do lũ, lụt hoặc hạn hán.
ss

Mới đây, ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cũng lo lắng khi Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ thảm họa ngày càng trở nên nghiêm trọng, ước tính 70% dân số sẽ phải đối mặt với những thảm họa gia tăng do tác động từ BĐKH.
Giới chuyên môn VN đã chỉ ra hậu quả của BĐKH với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững đất nước. Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH là tài nguyên nước, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, nhà ở và cơ sở hạ tầng. BĐKH có tác động mạnh đến các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, của ngành và địa phương, đến an ninh lương thực, năng lượng, học hành và sức khỏe cộng đồng...
Trước những diễn biến ngày một phức tạp của BĐKH, việc nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Chủ động thích ứng BĐKH
Theo Chiến lược quốc gia về BĐKH, có hai mục tiêu chung đã được xác định là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế CO2 thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
ss

Theo nhiều ý kiến, để ứng phó và giải quyết vấn đề BĐKH ở Việt Nam, những việc làm cụ thể đã được thực hiện và cần đẩy mạnh hơn nữa là: nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng cho người dân tinh thần chủ động trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh đó cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng ven biển phù hợp kịch bản của BĐKH và nước biển dâng.
Ðặc biệt, củng cố, nâng cấp một số tuyến đê biển xung yếu; đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn ven biển, để chủ động phòng, chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.
Ðối với miền trung, tăng cường củng cố, nâng cấp các hồ chứa nước, nhất là các hồ thủy lợi; phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán; xây dựng hệ thống đê, kè xung yếu bảo vệ dân cư và phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trả lại đất cho rừng để không bị hoang mạc hóa, sa mạc hóa. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; thực hiện các chương trình giảm mất rừng và suy thoái rừng; cải tạo, nâng cấp, điều tiết các hồ chứa.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, BĐKH cũng có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, hình thành mẫu hình tiêu thụ mới, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít CO2, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.

N.M(tổng hợp)

1 nhận xét: