Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Bức hại nguồn sống

Biết bao đời các khu đầm phá, sông hồ, biển cả nuôi dưỡng con người bằng tôm cá và biết bao nguồn lợi khác. Thế nhưng, với kiểu khai thác tận diệt, nhiều người dân đang tự bức hại nguồn sống của mình. Sự việc nghiêm trọng này đang diễn ra tại đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm - Khánh Hòa).
Muôn sự… nhờ đầm
Dường như không có lúc nào đầm Thủy Triều được ngơi nghỉ. Lúc nào cũng có hàng trăm người dò tìm, đánh bắt, cạo, vét ven bờ hoặc dưới đáy với nhiều hình thức khác nhau. Người dùng lờ dây, người dùng lưới, có khi chỉ là những chiếc vợt đi chao tôm… Xung quanh đầm Thủy Triều - nối với vịnh Cam Ranh là những xóm làng chen chúc. Hàng vạn dân sinh sống phụ thuộc vào đầm gồm các xã Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Đặc biệt là người dân ở các thôn sát với hồ. Chục năm trở lại đây, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt, nhiều năm qua, cây xoài là đặc sản của người dân thì những năm gần đây lợi nhuận kinh tế cũng chẳng được bao nhiêu. Từ đó, hầu hết người dân sống bằng việc khai thác thủy hải sản trong đầm. Cái đói xua người dân xuống đầm, cào vét dưới bụng đầm khiến cho bụng đầm quặn đau.
Bức hại nguồn sống
Những đứa trẻ cũng tham gia vào việc tìm kiếm ven bờ.
Chừng 5 giờ chiều, mặt trời đã gần tắt, khu vực thôn Bãi Giếng (thị trấn Cam Đức) vẫn ì oạp người cào vạng. Những khuôn mặt bợt bạt vì ngâm nước lâu ngước lên nhìn chúng tôi, nhoẻn miệng cười, ngơi tay vài phút rồi lại tiếp tục dầm mình trong nước, làm việc. Ông Huỳnh Hòa (60 tuổi) cảm thấy đã “nặng bao”, nhấc bao tải vạng chuyển lên bờ để chuẩn bị về nghỉ. Có lẽ ông không khỏe bằng đám thanh niên nên không thể trụ được lâu hơn. Miệng ông húng hắng ho. Miệng phóm phém và thân hình tiều tụy do cuộc sống mưu sinh vất vả. Tôi hỏi, mỗi ngày chú kiếm được bao nhiêu? Ông Hòa trả lời: “Thì may mắn kiếm được hơn một trăm, không thì vài chục, đủ để tui với bà ấy ăn. Còn dành được đồng nào thì giắt gối phòng khi ốm đau thuốc thang”.
Hơi thở của ông Hòa nặng trịch. Ông bảo rằng, với hơn 60 tuổi đời thì đã 30 năm ông dầm mình dưới nước để mưu sinh. Không còn công việc nào đỡ vất vả hơn sao ạ? Trước thắc mắc của tôi, ông cho hay: “Cả làng, cả xã như vậy cả. Ruộng nương có đâu, không sống bằng đầm, sống nhờ đầm thì bằng cái chi”. Để tiếp thêm cho câu trả lời của ông Hòa được rõ hơn, anh Trần Văn Báo (cùng thôn) bảo rằng, người dân đã từ lâu sống bám cả vào đầm. Đầm cho cái gì thì hưởng cái đó, người dân không có sự lựa chọn.
Vất vả cùng cực
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chẳng mấy chốc đã bị bóng tối bủa vây. Nhưng mặt đầm lại không hề yên lặng, trái lại còn sôi động hơn bởi đây cũng là thời gian những người lặn đầm làm việc. Họ thuộc dạng “ngủ ngày cày đêm”.
Tò mò lại gần, chúng tôi được biết đồ nghề của những người lặn đầm là chiếc bình sục khí, dây nối với bình sục đặt trên thuyền, bình ắc-quy, dây chì nặng chừng 25kg quấn quanh người, đèn pin gắn trên đầu, kính mắt, đồ bơi… Tất nhiên không thể thiếu chiếc bao tải đựng những thứ mà họ bắt được. Ông Huỳnh Văn Thiện (60 tuổi, ở khu phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức), người có nhiều năm lặn đầm và giờ cả hai con trai theo nghề nói bằng chất giọng khản đặc: “Giờ tôm, cá hiếm lắm, chỉ còn những con như đuôi heo (vẽ áo), con giá, con móng tay thôi. Kiếm cái ăn ngày càng khó chú ạ!”.
Bức hại nguồn sống
Hầu hết người dân sinh sống bằng việc khai thác thủy sản trong đầm.
Lại hỏi: “Sao các bác phải lặn xuống sâu như vậy? Và sao lại phải lặn buổi đêm và tại sao lại phải cột dây chì nặng đến vậy?”. Ông Thiện trả lời: “Dây cột chì quấn quanh người là để bảo đảm chúng tôi lặn xuống và ở ngay dưới nước rồi cứ thế khai thác. Bởi vì đánh trên mặt nước không kiếm được gì. Ở nước bụng đầm thì với người lặn ban ngày hay ban đêm không quan trọng, nhưng ban đêm mới là lúc nhiều loài hải sản cũng đi ngủ, dễ bắt”.
Nói thay cha, anh Huỳnh Văn Chiến, con trai ông Thiện mô tả rằng, ở dưới nước, đôi tay người thợ lặn đã được đeo găng, sẽ dùng để chộp những con bò trên mặt bùn, nhặt con sò hoặc móc tay xuống bùn để lấy hải sâm hoặc con giá. Tất cả phải làm nhanh, không để dây dưỡng khí quấn vào người. Mỗi khi bị dây quấn, vướng rất khó ngoi lên thoát ra. Bởi thế, khai thác trên mặt nước vất vả 1 thì người lặn xuống đáy vất vả 2-3.
Cũng đã trải qua nỗi vất vả ấy, ông Trần Văn Phổi - Tổ trưởng Khu phố Tân Hải giờ đã có hai con trai gánh đỡ công việc. Ông vừa là người có công cải tiến đồ lặn cho bà con, vừa là đầu mối cho việc tiêu thụ nguồn thủy hải sản bà con trong vùng kiếm được. Ông Phổi than thở: “Đánh bắt giờ khó quá, cạn nguồn rồi. Nhiều người ở đây bị tai nạn, phải cưa chân. Nhưng người ta vẫn đi ra đầm vì chưa biết làm gì khác. Hàng nghìn người vẫn sống nhờ vào nó. Nhưng có một điều nguy hiểm là người dân ở trong vùng sử dụng lờ dây. Chúng tôi đã vận động bà con trong khu phố không sử dụng lờ dây để bảo đảm cho nguồn hải sản. Nhưng chỉ có chúng tôi bảo vệ, còn những người khác cứ khai thác thì chẳng ích lợi gì!”.
Theo tìm hiểu, lờ dây (hay còn gọi lưới lồng) là một loại ngư cụ dạng bẫy liên hoàn với nhiều lồng bẫy liên kết thành một tay do Trung Quốc sản xuất có chiều dài 10m, có khả năng “quét sạch” trong dòng nước. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã sử dụng nhiều loại lờ này đánh bắt không thương tiếc nhằm tăng năng suất nhưng cũng là nguyên nhân khiến nguồn thủy hải sản trong đầm cạn kiệt.
Xác nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nha Trang trải lòng: “Đúng ra chỉ bắt con to. Con bé phải để phát triển còn khai thác tiếp. Nhưng thực tế thì… Đây là chuyện đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có cách khắc phục. Cứ tình trạng này thì chỉ vài năm nữa sẽ chẳng còn gì để mà đánh bắt”.
Vẫn chưa có cách khắc phục?
Vậy chẳng lẽ các cơ quan chức năng “bó tay”, để tình trạng này diễn ra? Trước những thắc mắc của phóng viên, ông Nguyễn Văn Đẩu cho rằng, từ năm 2007 trở về trước, Chi cục được giao quản đầm nhưng sau đó đã được chuyển trách nhiệm cho Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). 2 năm/lần, Chi cục vẫn thả con giống xuống đầm cho phát triển, nhưng ngay cả con giống cũng bị tóm ngay khi vừa thả xuống (!?)
Ấy thế, Thanh tra Sở NN&PTNT Khánh Hòa - đơn vị được giao trực tiếp quản lý đầm Thủy Triều cũng đang bế tắc. Ông Lê Văn Dũng - Chánh thanh tra khẳng định: “Đến giờ phút này là chịu, không cấm nổi việc sử dụng lờ dây”. Vì sao vậy? Ông nói: “Thực tế chưa có văn bản pháp luật nào cho phép thanh tra bắt phạt đối tượng dùng lờ dây. Chúng tôi chỉ có thể phối hợp với cảnh sát giao thông biển khép vào tội thả lờ làm ảnh hưởng đến an toàn đường biển thôi. Và có làm thì bà con cũng phản ứng dữ dội”.
Sau nhiều lần kiểm tra, lực lượng thanh tra thống kê được ở huyện Cam Lâm có 180 phương tiện, lượng lờ dây ước tính là 174.000m. Tuy nhiên, con số thực tế lại lớn hơn nhiều. Các lực lượng như cảnh sát biển, biên phòng cũng đã có sự phối hợp xử lý nhưng chủ yếu vẫn là buộc người dân vào tội chăng dây làm mất an toàn đường biển.
Rõ ràng việc người dân khai thác tận diệt nguồn thủy hải sản trên đầm chính là hành động bức hại nguồn sống, cần câu cơm của mình. Nguy cơ bị tái nghèo là rất cao. Trước vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cũng chỉ đang nghiên cứu tìm giải pháp việc làm cho bà con, tìm cách dạy nghề nhưng bà con lại không mặn mà. Như vậy, việc cứu đầm Thủy Triều lúc này là vô cùng cần thiết, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.      

Phóng sự của Văn Đạo

1 nhận xét: