Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu

Đó đây ở tận cùng đất mũi Cà Mau hay ở vùng cực Nam Trung Bộ, vẫn đang có gương mặt nông dân đầy mệt mỏi lo âu. Họ là những người gánh chịu, tổn thương nhiều nhất trước những hiện tượng dị thường của thiên tai, thời tiết.
Tác động của biến đổi khí hậu ở Cà Mau.
Theo kịch bản “Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng” cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình/ năm đã tăng khoảng 0,5 - 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. BĐKH đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, nguy cơ hiện hữu đe dọa không chỉ mục tiêu xoá đói giảm nghèo mà còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đến sự phát triển bền vững của đất nước. 
Trong vòng 1 thập kỷ qua, BĐKH và nước biển dâng đã tác động một cách rõ nét nhất đến Việt Nam. Nhiều khu vực bờ biển của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị biển lấn sâu vào hàng trăm mét. Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) áp dụng phương pháp chồng ảnh vệ tinh của NASA (chụp từ nhiều năm trước) với ảnh do vệ tinh quan sát Trái Đất của VN VNREDSat – 1, chụp năm 2013, đã ghi nhận tình trạng biển xâm thực mạnh vào đất tại nhiều khu vực trên cả nước. Riêng tỉnh Cà Mau, chỉ sau hơn 40 năm, bờ biển phía đông Cà Mau có đoạn đã lùi sâu vào đất liền khoảng 1,5 cây số.
Không chỉ tác động làm thay đổi diện mạo địa lý các địa phương ven biển; những tháng đầu năm 2016, BĐKH  ghi dấu ấn khốc liệt của nó đối với  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngày 19-2, thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, lãnh đạo tỉnh này đã ký quyết định công bố thiên tai – hạn hán, xâm nhập mặn 2016.
Thống kê trong ngày 19/2 cho thấy Bến Tre có hơn 10.000 ha lúa Đông – Xuân thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn , vài trăm ha diện tích cây ăn trái  thiếu nước tưới, có khả năng không cho thu hoạch. Các dòng sông chính của Bến Tre  có độ mặn 4%. Mặn đang tiếp tục xâm nhập sâu vào các dòng sông nhỏ. Có nhánh sông bị mặn xâm nhập  đến 60 cây số.
Cùng ngày thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa ký quyết định công bố thiên tai. Thiệt hại do thiên tai đối với diện tích lúa Đông – Xuân và các loại cây trồng khác tăng từng ngày. Thống kê trong ngày 19-2 cho thấy có 34.000 ha lúa, cây nông nghiệp  và 27.000 ha rau màu ở Kiên Giang bị thiệt hại. 
Trước đó, tại Hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn, mặn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 17/2 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát thống kê, chỉ riêng 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã có 54.000 ha lúa bị thiệt hại.
Điều này đồng nghĩa với 200.000 tấn lúa bị mất đi, nông dân 2 tỉnh  mất trắng 1.000 tỷ đồng.  Bộ NN&PTNT cũng đưa ra con số đáng lo ngại, 339.234 ha lúa của 8 tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang có thể thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn còn đe dọa nhiều ngàn ha cây ăn trái ở các địa phương như Vĩnh Long, Hậu Giang.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khô hạn ở  Nam Trung Bộ năm 2016 khốc liệt hơn nhiều so với năm 2015. Hạn hán ở Nam Trung Bộ được dự báo sẽ kéo dài đến giữa năm nay. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán là Ninh Thuận. Tỉnh này có 20 hồ chứa với dung tích thiết kế lên đến 190 triệu m3 nhưng hiện chỉ tích nước được xấp xỉ 80 triệu m3. Hạn hán buộc 4 tỉnh Nam Trung Bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dừng sản xuất vụ Đông – Xuân trên tổng diện tích 26.000 ha.
Cùng với hạn hán là tình trạng gia súc, gia cầm – đặc biệt là gia súc chăn thả như dê, cừu thiếu nước uống - làm nông dân đứng ngồi không yên. Ở Tây Nguyên, do hiện tượng El Nino kéo dài, mùa khô đến sớm, khô hạn cũng đã bắt đầu diễn ra. Nhiều diện tích canh tác, cây trồng công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới. 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo, El Nino tác động gây hiện tượng thời tiết bất thường trong đó có nắng nóng ở mức kỷ lục và khô hạn kéo dài. Đáng lo ngại nữa là lượng mưa giảm làm cho nước các dòng chảy nhiều nơi ở Nam Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt đến 80%.
Tại Hội nghị khẩn cấp về phòng chống hạn, xâm nhập mặn ngày 17-2 vừa qua tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu đầy lo lắng: “Cơn bão – dù mạnh đến đâu, chúng ta cũng chỉ phải lo ứng phó, chống chịu nhiều lắm là một tuần nhưng với hạn hán xâm nhập mặn của năm nay, không chỉ các địa phương chịu ảnh hưởng mà cả nước phải lo đối phó đến 6 tháng”.
 Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho rằng nếu chỉ hạn hán không thì còn dễ đối phó nhưng đã xâm nhập mặn thì đến 10 năm sau đồng ruộng đất dai cũng khó khôi phục để sản xuất, canh tác.
Tại Hội nghị này, cùng với các chỉ đạo sát sao, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ  ưu tiên 2.300 tỷ đồng nguồn trái phiếu Chính phủ cho Đồng bằng sông Cửu Long cùng với nguồn vốn ODA. Trước mắt Phó Thủ tướng  chỉ đạo Bộ Tài chính và các địa phương hỗ trợ ngay cho nông dân bị thiệt hại trên 70% diện tích canh tác với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Chính phủ lo cho nông dân, giúp nông dân đứng vững trước  diễn biến bất thường của thời tiết- BĐKH và nước biển dâng đang lớn lên từng ngày, nhưng đó đây ở tận cùng đất mũi Cà Mau hay ở vùng cực Nam Trung Bộ, vẫn đang có gương mặt nông dân  đầy mệt mỏi lo âu. Họ là những người gánh chịu, tổn thương nhiều nhất trước những hiện tượng dị thường của thiên tai, thời tiết. Dáng đứng nông dân trên đất đai, đồng ruộng quá nhỏ bé trước thiên nhiên, dữ dội và khốc liệt.  



1 nhận xét: