Hàng trăm con cò giả làm bằng xốp trắng được cắm giữa đồng ở thôn Tiền Phong (xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) để bắt cò và chim cói.
Những người bắt cò dậy từ 3-4h sáng, chở theo bầy cò giả làm bằng xốp trắng muốt ra đầm dàn trận rồi vào bờ ngồi chờ.
Nơi đặt bẫy cò là những đầm nước rộng hàng nghìn mét vuông ở phía bắc đèo Lý Hòa, thôn Tiền Phong. Nhìn từ xa, không thể phân biệt được cò thật - giả.
Giữa những con cò mồi là thanh tre được quét nhựa. Các thanh tre này được vót nhọn, cắm xuống đất chi chít.
Loại keo bắt cò được người dân nơi khác tự chế, rồi mang đến đây bán với giá khoảng 30 nghìn đồng/lon. Keo này dính vào các thanh tre vót nhọn, dài khoảng 2 gang tay rồi cắm xuống đất. Khi cò sà xuống sẽ bị dính vào cánh, không thể bay được và bị bắt.
Tháng 9 đến tháng 10 hằng năm là mùa bắt cò. “Năm nào mưa bão, cò từ nơi khác về vùng núi trú thì bắt được nhiều. Năm nay không có mưa nên cò ít hẳn”, một thanh niên bắt cò cho hay.
Ngoài cò, chim cói cũng bị nhắm đến. Để bắt chim cói thì phải có chim cói mồi cột chân trên một cây sào cắm giữa đồng.
Phía đuôi chim cói mồi cột sợi dây cước dài. Khi thấy đàn chim cói, những người bắt cò chờ sẵn, dùng dây cước giật giật để chim mồi vỗ cánh, gọi chim cói đậu xuống và dính keo.
“Ngày nhiều thì được khoảng chục con, ít thì đôi ba con. Cò bắt về rồi mang ra chợ bán, giá tầm 25 nghìn đồng/con”, thanh niên bắt cò cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng thôn Tiền Phong, cho hay nghề bắt cò hình thành khoảng 4-5 năm trước. “Trong thôn có khoảng 10 người làm nghề này, kéo dài mỗi năm chỉ khoảng tháng vào mùa mưa bão”, ông Hóa nói.
Đến mùa gieo cấy, cả đàn cò sà xuống bắt phù du, giẫm nát hết lúa nên nhiều người muốn xua đuổi cò. Nếu số lượng cò ít thì cũng không ảnh hưởng đến cây trồng. Việc bắt, diệt cò, chim cói bị nhiều người lên án vì ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Thực tế những năm đầu, số lượng chim cò bắt được khá nhiều, nhưng sau đó ít dần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét