- Thưa ông, tại sao thời gian gần đây giông sét lại xuất hiện nhiều?
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. Ảnh: H.P.
|
- Đây đang là giai đoạn chuyển mùa ở khu vực miền Bắc và Trung Bộ. Thời gian này, không khí lạnh vẫn còn hoạt động, di chuyển đẩy rãnh thấp lùi sâu xuống phía Bắc gây xáo động mạnh, tạo ra các hiện tượng tố lốc, mưa đá và đặc biệt là giông sét. Giai đoạn này giông sét sẽ xuất hiện nhiều ở miền Bắc và Trung Bộ. Còn khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên khả năng xuất hiện giông sét đã giảm đi khoảng 20% so với hồi tháng 3 (thời kỳ chuyển mùa ở Tây Nguyên, Nam Bộ).
Giông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây giông tích điện xuống mặt đất, còn hiện tượng phóng điện giữa các đám mây với nhau hoặc phóng điện vào trong không khí chỉ gây ra sấm, chớp bình thường mà chúng ta vẫn thấy.
- Giông sét thường có những dấu hiệu cảnh báo sớm như thế nào?
- Qua quan trắc trên radar thời tiết, dựa vào độ phản hồi từ các đám mây giông, quan sát viên có thể dự đoán được có mưa giông hay không. Nhưng không phải cơn mưa giông nào cũng có hiện tượng giông sét. Hoặc dựa vào ảnh mây vệ tinh, cứ 15 - 30 phút quan sát một lần, nếu thấy mây phát triển mạnh lên thì phải đặc biệt chú ý đến khu vực đó. Hiện nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương được đầu tư một hệ thống định vị sét, có thể tính toán năng lượng điện trong các đám mây có khả năng phóng điện, từ đó đưa ra kết luận có giông sét hay không. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ dự báo được trong một thời gian rất ngắn, từ 15 - 30 phút trước khi giông sét xảy ra.
Có thể dựa vào kinh nghiệm dân gian, đó là trời đang nóng đột ngột chuyển lạnh, những đám mây đen dày đặc xuất hiện, không khí lạnh hẳn đi, có những đợt gió xoáy mạnh trong không khí là dấu hiệu của cơn giông sét.
- Những khu vực nào xuất hiện nhiều giông sét nhất?
- Thường thì mây giông gây ra giông sét di chuyển từ phía Tây sang, từ phía Bắc xuống nên khu vực dãy Trường Sơn, Hoàng Liên Sơn phía Bắc có khả năng xảy ra nhiều nhất. Khi đến các vùng đồng bằng, cường độ các đám mây giông giảm nên ít gây ra hiện tượng trên. Ở thành phố cũng ít xảy ra giông sét hơn vùng nông thôn.
- Dự báo hiện tượng nguy hiểm này kéo dài đến bao giờ?
- Hàng năm, miền Bắc và Trung Bộ có hai giai đoạn chuyển mùa, từ mùa lạnh chuyển sang nóng (tháng 4-6) và từ mùa nóng chuyển sang lạnh (tháng 8-9). Lúc này đang là thời điểm giông sét xuất hiện nhiều nhất. Thời kỳ chuyển mùa ở Tây Nguyên, Nam Bộ thì giông sét thường xảy ra vào tháng 3. Lúc chính vụ nóng mà có mưa giông thì vẫn xảy ra hiện tượng này, vì vậy, người dân không nên chủ quan.
Lốc xoáy dữ dội cuốn tôn bay ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa chiều tối 19/5. Ảnh:Trí Tín.
|
Tùy từng năm, thời kỳ chuyển mùa đến sớm hay muộn mà thời gian có giông sét cũng bị ảnh hưởng theo. Căn cứ vào thời kỳ chuyển mùa, có những năm thời kỳ chuyển mùa dịch lùi về phía sau thì thời kỳ cảnh báo giông sét cũng bị dịch theo. Năm nay, thời kỳ chuyển mùa đến bình thường, vào tháng 4 – 5 và tháng 8 – 9 từ mùa nóng sang lạnh, nên hiện tượng giông sét cũng sẽ xuất hiện trong thời gian đó.
- Ông có lời khuyên gì cho người dân khi có hiện tượng giông sét xảy ra?
- Thời điểm chuyển mùa, xuất hiện giông sét nhiều cũng là lúc nông dân miền Bắc và Trung Bộ bước vào vụ gặt rộ. Nếu thấy có hiện tượng mưa giông thì bà con nên đi về, không nên cố làm thêm gây nguy hiểm đến tính mạng.
Giông sét thường xảy ra trong phạm vi hẹp. Khi mưa giông xảy ra, bà con nên di chuyển đến nơi an toàn, không tránh trú dưới gốc cây, tránh xa nơi đồng không mông quạnh. Đó là những nơi dễ có giông sét, chỉ cần có một đám đất nhô cao cũng có thể bị sét đánh. Ngoài ra, tránh xa những vũng nước, rãnh nước, mương nước vì sét đánh dễ truyền điện, gây nguy hiểm tính mạng.
Hiện nay, hệ thống quan trắc thưa nên không thể cảnh báo được hiện tượng giông sét xảy ra tức thì. Cho nên, người dân cần lưu ý tự bảo vệ mình trước.
Hoàng Phương thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét